BỆNH CHỐC (Impetigo)

06/08/2020

                                                                                                                                            Tác giả: BS.Huỳnh Nữ Hồng Trúc

Bệnh chốc ở trẻ em là gì? Những triệu chứng, biến chứng nguy hiểm, nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa và điều trị. Đó là những bâng khuâng thường gặp ở phụ huynh hiện nay.

Bệnh chốc là gì?

Chốc là một bệnh nhiễm khuẩn da hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi các tổn thương cơ bản là bóng nước nông, rải rác, nhanh chóng hóa mủ, dập vỡ đóng vảy tiết màu mật ong. Thuật ngữ chốc hóa (impetiginisation) được dùng để chỉ các nhiễm trùng nông thứ phát của một vết thương hoặc một tình trạng da nhất định. Khi thương tổn loét sâu được gọi là chốc loét (ecthyma).

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân thường do vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu hoặc phối hợp cả hai.Chốc hay gặp sau một số bệnh da như viêm da cơ địa, ghẻ, thủy đậu, vết đốt do côn trùng, bỏng nhiệt, viêm da.

Bệnh chốc có lây không

Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, từ trẻ này sang trẻ khác hoặc vật dụng đã chạm vào - chẳng hạn như quần áo, khăn trải giường, khăn tắm và thậm chí cả đồ chơi.Ở người lớn, có thương tổn chốc xuất hiện khi miễn dịch kém. Bệnh hay gặp vào mùa hè, phổ biến ở các nước đang phát triển, điều kiện sống thiếu vệ sinh, dân cư đông

Triệu chứng lâm sàng

Chốc hay gặp ở vùng da hở như mặt, tay, chân, nhưng cũng gặp ở thân mình và các phần khác của cơ thể. Người bệnh có thế ngứa nhiều hoặc ít có hay không kèm sốt, mệt mỏi, nổi hạch.

- Chốc không có bóng nước thường bắt đầu là một dát hồng, tiến triển thành mụn nước, bóng nước hóa mủ nhanh, mau chóng dập vỡ để lại các vết đóng vảy tiết màu vàng mật ong. Khi vảy tiết bong ra để lại nền da đỏ ẩm, khi lành để lại dát thâm. Thương tổn có thể lan rộng ra các vùng khác do tự lây nhiễm, do cào gãi.

- Chốc loét bắt đầu giống như chốc không bóng nước nhưng tiến triển thành những vết loét hoại tử lõm giữa, chậm lành, để lại sẹo.

- Chốc bóng nước khởi phát với mụn nước nhỏ, lớn dần thành bóng nước. Bóng nước nông, dễ vỡ, kích thước nhỏ hoặc lớn, chứa dịch vàng, trong, sau chuyển sang vàng đậm, vỡ trong 1 đến 3 ngày, để lại viền da mỏng xung quanh dát đỏ ẩm ướt, khi lành không có sẹo. Xung quanh bọng nước có thể có quầng đỏ hoặc không. Khác với chốc không bọng nước, chốc bọng nước có thể có thương tổn ở niêm mạc má, ít lây hơn, hạch vùng không to.

Cận lâm sàng

- Nhuộm gram dịch hoặc mủ tại tổn thương thấy cầu khuẩn gram dương xếp thành chuỗi hoặc từng đám, kèm theo là bạch cầu đa nhân trung tính.

- Nuôi cấy dịch hoặc mủ xác định chủng gây bệnh và làm kháng sinh đồ giúp điều trị những trường hợp khó.  

- xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu thường quy.

Các biến chứng của chốc

Bệnh có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tại chỗ

- Chàm hóa: ngoài tổn thương của chốc còn xuất hiện thêm các tổn thương của chàm

- Chốc loét:

      + Điều kiện thuận lợi: vệ sinh kém, tiểu đường, giảm bạch cầu, trẻ suy dinh dưỡng hoặc sau sởi do giảm sức đề kháng.

      + Lúc đầu là chốc thông thường, nếu không được điều trị bóng nước sẽ lan rộng, sau khi vỡ để lại vết loét sâu xuống trung bì bên trên phủ vảy tiết màu vàng hoặc xám bẩn, bờ rắn, gờ cao, màu tím.

- Viêm quầng, viêm mô bào: tổn thương cơ bản là mảng đỏ, phù nề, cứng, đau, giới hạn rõ, bờ nổi cao, có thể có bọng nước hoặc hoại tử.

Toàn thân:

- Viêm đường hô hấp.

- Nhiễm khuẩn huyết.

- Viêm màng não.

- Viêm cơ.

- Viêm cầu thận cấp.

Điều trị chốc

Nguyên tắc:

- Kết hợp thuốc tại chỗ và toàn thân.

- Chống ngứa: tránh tự lây truyền.

- Điều trị biến chứng nếu có. 

  Điều trị cụ thể:

- Ngâm tắm ngày một lần bằng thuốc tím pha loãng 1/10000 hoặc các dung dịch sát khuẩn khác.

- Dùng các thuốc sát trùng (povidone iodine) hoặc mỡ kháng sinh bôi tại chỗ (acid fusidic, mupirocin).

- Che phủ vùng da thương tổn

-  Nếu chốc lan rộng có thể sử dụng kháng sinh phổ rộng như: cephalosporin, macrolid đường uống 5-7 ngày.

- Kháng histamin nếu có ngứa.

- Nếu chốc kháng thuốc hoặc chốc loét phải điều trị theo kháng sinh đồ.

Các phương pháp dự phòng

- Để cơ thể trẻ được thoáng mát, quần áo thấm hút mồ hôi.

- Vệ sinh cơ thể thường xuyên bằng nước sạch. Thay và giặt sạch quần áo mỗi ngày. Cắt tóc, cắt móng tay ngắn gọn để da không bị đọng chất tiết, mồ hôi dễ gây nhiễm trùng.

- Đảm bảo cho trẻ uống nước đầy đủ, ăn nhiều rau xanh và trái cây để tăng sức đề kháng

- Tránh ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, để côn trùng đốt.

- Điều trị sớm và tích cực, tránh chà xát, cào gãi dễ gây biến chứng.

                                                                                                                                                     

Nguồn tham khảo: Bệnh viện Da Liễu Trung Ương, bệnh viện Nhi Đống 1, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu ( BVDLCT).