CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO LIÊN TỤC KHÓA HỌC “KỸ THUẬT LASER VÀ ÁNH SÁNG TRONG DA LIỄU”

03/03/2025

 

1. Giới thiệu chung về khóa học:

Từ những năm 60 của thế kỷ 19 thiết bị Laser đầu tiên đã ra đời, nó được phát minh bởi một nhà kỹ sư và vật lý học người Mỹ của Công ty Hughes. Sau đó việc nghiên cứu và cải tiến thiết bị Laser ngày càng phát triển. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các thiết bị Laser và ánh sáng đã nhanh chóng trở thành một bộ phận không thể thiếu của y học nói chung và chuyên ngành “Da liễu” nói riêng.

Hiện nay, Laser được ứng dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý da liễu và trong thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ và sử dụng Laser như thế nào đang là vấn đề quan trọng được đặt ra đối với các bác sĩ da liễu.

2. Mục tiêu khóa học:

2.1 Kiến thức:

  • Mô tả cấu trúc và tính chất sinh lý - sinh hóa da.
  • Kiến thức cơ bản về Laser và ánh sáng trong thực hành điều trị và thẩm mỹ da.
  • Ứng dụng laser và ánh sáng một cách an toàn, hiểu được các biến chứng và nguy cơ có thể xảy ra, cách phòng tránh và xử lý khi sử dụng Laser-ánh sáng trong da liễu.

2.2. Thái độ:

  • Hiểu rõ được tầm quan trọng của Laser và Ánh sáng trong điều trị các bệnh lý da - thẩm mỹ trong chuyên ngành da liễu.

2.3. Kỹ năng:

  • Học viên hiểu rõ và thực hành điều trị các loại máy laser YAG, Fractional, laser CO2, IPL, RF, điện di Ion,…
  • Học viên nhận biết các bệnh lý da, cách chăm sóc da bệnh lý và sử dụng thuốc, mỹ phẩm trong da liễu.

3. Đối tượng, yêu cầu đầu vào đối với học viên:

  • Bác sĩ chuyên khoa da liễu hiện đang công tác tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập.
  • Bác sĩ đa khoa: có chứng chỉ hành nghề.

4. Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình:

  • Đơn vị chủ trì: Bệnh viện Da Liễu thành phố Cần Thơ
  • Địa điểm tổ chức: Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ. Đơn vị sẽ tổ chức khi được Sở Y tế phê duyệt.
  • Dự kiến khai giảng vào tháng 3 và tháng 7 hàng năm.
  • Thời gian mỗi khóa học 3 tháng (270 giờ tín chỉ)

5. Đánh giá và cấp giấy chứng nhận/chứng chỉ đào tạo liên tục:

  • Điều kiện khi cuối khóa: học viên phải tham dự đầy đủ chương trình lý thuyết 9/10 trên tổng thời gian thực hành.
  • Thi cuối khóa:

+ Lý thuyết: bài thi trắc nghiệm, thang điểm 10 (sau khi kết thúc khóa học 1 tuần);

+ Thực hành: kiểm tra các quy trình kỹ thuật trên một trường hợp bệnh nhân thực tế, thang điểm 10 (ngày cuối cùng của khóa học)

  • Cấp chứng chỉ: được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục khi có số điểm của 2 bài thi lý thuyết và thực hành ≥ 5. Điểm cuối khóa trung bình cộng điểm lý thuyết và thực hành;
  • Phân loại theo điểm tốt nghiệp cuối khóa:

+ Trung bình: 5,0 - 6,4

+ Khá: 6,5 – 7,9

+ Giỏi: ≥ 8.

- Chứng nhận đào tạo được cấp theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

                                                                                                                    Bs.Đỗ Lê Thiên Hà