15/02/2025
1. Bệnh do Herpes Simplex ở vùng sinh dục là gì?
- Bệnh Herpes sinh dục là một bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khi tiếp xúc da-da, da-niêm, niêm-niêm, bệnh thường diễn tiến mạn tính suốt đời và có những đợt tái phát tại vị trí nhiễm trùng.
- Tác nhân gây bệnh là virus Herpes simplex (HSV), có 2 type thường gặp là HSV-1, HSV-2. Herpes sinh dục chủ yếu là HSV-2. Bệnh thường gặp ở người trẻ, trong độ tuổi hoạt động tình dục cao.
2. Biểu hiện của bệnh Herpes sinh dục là gì?
- Hầu hết người nhiễm không có triệu chứng hoặc có triệu chứng không điển hình. Và ngay cả khi không có triệu chứng, người bệnh vẫn có khả năng lây nhiễm cho bạn tình.
- Đối với những trường hợp nhiễm HSV có triệu chứng, trong giai đoạn tiên phát hoặc tái phát, người bệnh đều có thể xuất hiện những thương tổn tương tự nhau ở những vị trí cũ với biểu hiện như sau:
+ Biểu hiện toàn thân: sốt; nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, hạch bẹn sưng đau..Những triệu chứng này thường xuất hiện
+ Biểu hiện tại chỗ: đau, ngứa kèm cảm giác bỏng rát vùng sinh dục ngoài, quanh hậu môn, mông,...Sau đó, bệnh nhân sẽ có xuất hiện những mụn nước trên nền dát đỏ, tập trung thành đám. Mụn nước sẽ dần hóa mủ, vỡ để lại các vết trợt bờ đa cung, đóng vảy tiết và lành không để lại sẹo sau 2-3 tuần. Tổn thương tại vùng niêm mạc có thể trợt, loét mà không cần có mụn nước trước đó.
3. Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng. tuy nhiên loét sinh dục là mảng bệnh học khá lớn do nhiều nguyên nhân, nên bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán xác định hoặc phân biệt với một số nhóm bệnh khác.
4. Biến chứng của bệnh?
- Biến chứng tại vùng sinh dục: viêm loét sinh dục nặng, sưng đau nhiều…
- Biến chứng ngoài vùng sinh dục: viêm rễ thần kinh, viêm màng não vô khuẩn, bí tiểu, viêm niêm mạc trực tràng (đặc biệt ở đối tượng nam quan hệ đồng giới).
- Phụ nữ có thai nhiễm HSV tiên phát khi sinh con có nguy cơ lây nhiễm tới 50% cho con gây nhiễm trùng sơ sinh nặng, có thể dẫn đến tử vong. Nếu mẹ bị nhiễm vào 3 tháng cuối của thai kỳ, có thể gây thai chết lưu hoặc sinh non.
5. Điều trị herpes sinh dục?
- Nâng cao sức đề kháng và thể trạng
- Điều trị kháng sinh phòng ngừa bội nhiễm (nếu có)
- Điều trị thuốc kháng virus càng sớm càng tốt (trong 72h đầu) theo đúng phác đồ. Trong những trường hợp bệnh nhân bị tái phát 4-6 lần/năm, cần cân nhắc điều trị dự phòng trong vòng 1 năm, sau đó khám đánh giá lại.
- Chăm sóc tổn thương tại chỗ bằng bôi thoa
6. Phương pháp phòng ngừa Herpes sinh dục?
- Sử dụng bao cao su để phòng ngừa lây nhiễm
- Nâng cao sức đề kháng, tránh các yếu tố nguy cơ: chấn thương, nhiễm trùng, stress, tia UV,…
- Nếu mẹ bị herpes sinh dục, cần cân nhắc mổ lấy thai tránh lây truyền cho trẻ sơ sinh
BS. Huỳnh Ngọc Thảo Vy