NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM

05/06/2024

     Làn da trẻ em rất mỏng manh và non nớt nên rất dễ bị tổn thương trong những năm tháng đầu đời. Các bệnh về da thường tấn công trẻ em vào những ngày thời tiết nóng, ẩm hoặc giao mùa. Do đó, hiểu biết về bệnh, cách phòng tránh và điều trị bệnh là điều cần thiết với các bậc phụ huynh để luôn giữ cho con mình một cơ thể khỏe mạnh nhất trước những tác động của môi trường. 

1. Bệnh chốc 

     Chốc là bệnh lý nhiễm trùng nông cấp tính trên da rất phổ biến ở trẻ em, đặc trưng bởi tổn thương cơ bản là các bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hoá mủ, dập vỡ đóng vảy tiết. Nguyên nhân gây bệnh do nhiễm tụ cầu, liên cầu hoặc cả hai loại kết hợp. Yếu tố thuận lợi thường gặp là tuổi nhỏ, thời tiết nóng ẩm, mùa hè, điều kiện vệ sinh kém, bệnh da phối hợp như chấy rận, ghẻ, côn trùng cắn, viêm da cơ địa… hoặc suy giảm miễn dịch hay đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch. Bệnh có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

2. Viêm da cơ địa 

     Còn được gọi là chàm thể tạng, là một bệnh viêm da tái phát, mãn tính, gặp chủ yếu ở trẻ em và có liên quan tới cơ địa dị ứng. Bệnh phát sớm khoảng 2-3 tháng sau sinh, thường cấp tính với các đám đỏ da, ngứa, sau đó xuất hiện nhiều mụn nước nông nhỏ như đầu đinh ghim tập trung thành từng đám, dễ vỡ, xuất tiết và đóng vảy tiết, có thể bội nhiễm, hạch lân cận sưng to. Vị trí hay gặp nhất là 2 má, có thể ở da đầu, trán, cổ, thân mình, mặt dưới các chi. Khi trẻ biết bò có thể xuất hiện tổn thương ở đầu gối. Không thấy tổn thương ở vùng tã lót. Trẻ có thể dị ứng với một số thức ăn như sữa, hải sản, thịt bò, thịt gà… Khi không ăn các thức ăn gây dị ứng thì bệnh viêm da cơ địa giảm rõ rệt. Bệnh hay tái phát, mạn tính và rất nhạy cảm với các yếu tố như nhiễm trùng, mọc răng, tiêm chủng, thay đổi khí hậu hay môi trường sống. Hầu hết bệnh sẽ tự khỏi khi trẻ được 18-24 tháng. 

3. Viêm da tả lót  

     Viêm da do tã lót, còn được gọi là chứng hăm tã, là bệnh rất thường gặp do sự kích ứng da ở vùng dùng tã của trẻ sơ sinh và nhũ nhi. Tã giữ ẩm và làm cho vùng da tiếp xúc với tã luôn bị nóng và ẩm ướt, điều này có thể làm tăng sự phát triển của vi khuẩn và nấm. Nước tiểu và phân cũng có thể gây kích ứng da, gây ban đỏ ở vùng này. Trẻ có thể có biểu hiện đỏ da ở những vùng bị chà xát bởi tã lót, gồm mặt trong đùi, mông, bụng, da vùng sinh dục, nếp lằn mông, quanh hậu môn,… có thể có dát, khoảng đỏ da kèm theo sang thương vệ tinh nhỏ như đầu đinh ghim. Kèm theo đó trẻ sẽ ngứa ngáy, khó chịu, khó ngủ, chậm tăng cân. Phụ huynh cần đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời. 

4. Rôm sẩy 

     Rôm sảy là tình trạng tắc nghẽn của ống tuyến mồ hôi gây ra sự ứ đọng mồ hôi, khiến làn da bị viêm và xuất hiện các sẩn nhỏ màu hồng trên da. Rôm sảy thường không gây đau nhưng có thể gây khó chịu và ngứa. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, khi bị rôm sảy trẻ ngứa, gãi nhiều làm cho da bị trầy xước gây nhiễm trùng da thứ phát. Bệnh hay gặp trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Trong hầu hết các trường hợp, rôm sảy sẽ tự hết trong một vài ngày nếu rôm sảy mức độ nhẹ được chăm sóc, dinh dưỡng phù hợp. 

5. Bệnh ghẻ 

     Bệnh ghẻ là bệnh da phổ biến, do ký sinh trùng cái ghẻ gây nên. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn màn, chiếu dính trứng ghẻ. Biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh ghẻ là ngứa nhiều, đặc biệt về đêm, có thể gây mất ngủ. Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh, mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ.Khi có những triệu chứng nghi ngờ, cần đưa bé và những người có cùng biểu hiện đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyên khoa để khám và điều trị. 

     Tóm lại, nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng kể trên cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu sớm để được hướng dẫn cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng và phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, không nên tự ý dùng các loại kem hoặc gel bôi cho bé, không nên tự chữa theo những lời mách bảo của người không có chuyên môn, tránh gây ra những bội nhiễm nguy hiểm.  

 

  

 BSCKI. Phan Thị Ái Phương