03/05/2024
Việt Nam là nơi có khí hậu nóng ẩm, vào mùa hè nhiệt độ và độ ẩm tương đối cao, chính vì thế các bệnh da liễu thường gặp vào mùa nóng càng có cơ hội hình thành. Trên thực tế, bệnh da liễu xuất hiện nhiều vào mùa nóng do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy từng căn bệnh, bạn sẽ đối mặt với những triệu chứng khác nhau, hầu hết các bệnh da liễu đều khiến bạn cảm thấy khó chịu và tự ti với làn da kém hoàn hảo của mình. Trongthời gian gần đây Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bệnh da đến khám mỗi ngày. Hãy cùng Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ tìm hiểu thêm về các bệnh da liễu thường gặp vào mùa nắng nóng để biết cách bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và người thân xung quan trước tình trạng thời tiết cực đoan này, các bạn nhé!
*Bệnh rôm sảy
Rôm sẩy là tình trạng bít tắc tuyến mồ hôi gây ra sự ứ đọng mồ hôi, ống bài tiết dễ bị bít tắc khiến làn da bị viêm và xuất hiện các mụn nhỏ màu hồng trên da. Ở trẻ em do ống tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh, cộng thêm thời tiết mùa hè nắng nóng cơ thể trẻ bài tiết nhiều mồ hôi nhưng không thoát ra ngoài hết, gây ứ đọng và bít tắc tuyến mồ hôi. Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, khi thời tiết mát mẻ các mẩn trên da có thể tự lặn mà không gây tác hại gì. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều gây da trầy xước, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.
*Chốc
Chốc là bệnh nhiễm trùng nông ở da, do vi khuẩn gây ra. Bệnh phổ biến hơn ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Biểu hiện bệnh là bọng nước nông, nhanh chóng hóa mủ, dễ dập vỡ đóng vảy tiết màu vàng mật ong. Có hai loại bệnh chốc chính: chốc bọng nước và chốc không có bọng nước. Bệnh thường gặp trẻ em từ 2-5 tuổi, hay trong thời tiết nóng ẩm, mùa hè, ở chật chội, vệ sinh kém, trẻ suy dinh dưỡng,.. Bệnhthường lành tính, hầu hết bệnh chốc khỏi sau 7-10 ngàynếu được chăm sóc tốt vàkhông để lại sẹo. Tuy nhiên, bệnh có thể gây một số biến chứng như viêm quầng, viêm mô bào, hội chứng bong vảy da do tụ cầu, nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận, hoặc chốc loét,.. Do đó trẻ nên được đến khám sớm và điều trị đúng cách.
Nấm da là bệnh về da thường gặp ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Môi trường vệ sinh kém cũng dễ tạo điều kiện cho bệnh phát triển và lây lan. Nguyên nhân chủ yếu khiến nấm da phổ biến hơn khi trời nóng là do thời tiết nóng nực thường khiến những vùng da trên cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Các triệu chứng của da bị nấm có thể bao gồm phát ban đỏ, chấm đỏ, da tróc vảy, bong tróc, tùy vị trí mà có thể có mụn nước và có thể ngứa, nhất là khi thời tiết nóng nực. Nấm da có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là ở bàn chân, bẹn, dưới vú,….
* Mụn trứng cá
Mụn trứng cá được là một bệnh lý viêm mạn tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên vì ở giai đoạn này hệ bài tiết sẽ tiết nhiều bã nhờn, sừng hóa cổ nang lông dễ gây bít tắc lỗ chân lông nên gây ra mụn. Song khi trời nắng, tuyến bã nhờn càng hoạt động mạnh khi gặp bụi bẩn sẽ hình thành nên mụn trứng cá. Nếu không được chăm sóc cẩn thận và đúng cách thì có thể gây viêm, để lại sẹo cho da. Bên cạnh đó, trời nóng là thời điểm nhiều người sử dụng bia, nước ngọt để giải khát, các loại thức uống này cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mụn trứng cá.
*Bỏng nắng
Bỏng nắng là phản ứng của da khi tiếp xúc trực tiếp với quá nhiều tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Các dấu hiệu bỏng nắng có thể bắt đầu xuất hiện trong vòng 11 phút và da có thể đỏ lên trong vòng 2 - 6 giờ sau khi bị bỏng nhẹ. Triệu chứng tiếp tục phát triển trong 24 - 72 giờ tiếp theo và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để chữa lành. Bệnh nhân bị bỏng nắng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, nhưng trường hợp nặng và phồng rộp cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Muỗi, bọ chét và bọ ve có thể tấn công làn da vào mùa hè. Thông thường, côn trùng đốt chỉ gây ra vết sưng ngứa tại chỗ khi chúng tấn công. Nhưng đôi khi, phản ứng có thể nghiêm trọng và lan rộng hơn. Có thể xuất hiện tình trạng sưng viêm diện rộng, tim đập nhanh, hạ huyết áp, khó thở thậm chí nguy hiểm đến tính mạng cần cấp cứu tại cơ sở y tế kịp thời.
Để tránh mắc các bệnh về da trong mùa nắng nóng, người dân cần thường xuyên giữ nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát. Không nên ra ngoài trời nắng, trừ trường hợp cần thiết. Khi đi ra ngoài nắng cần bôi các loại kem chống nắng từ 3-4 lần/ngày để có tác dụng tốt nhất. Những người làm việc trong môi trường nắng nóng, công việc nặng nhọc, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài cần uống nhiều nước hơn bình thường, có biện pháp chống nắng phù hợp. Người dân cần uống đủ nước, bổ sung các loại vitamin, nhất là vitamin C qua rau xanh, trái cây,…; tránh uống bia, rượu hay quá nhiều cà phê, đường. Mặc quần áo rộng, mềm, dễ thấm mồ hôi, thoáng mát, đeo kính mát để bảo vệ mắt khỏi tia cực tím, đeo bao tay, tất chân để ngừa bị cháy nắng. Khi bị ngứa, hạn chế cào, gãi trên da vì càng gãi sẽ càng gây nhiễm trùng da, viêm da. Không tự ý bôi thuốc trên da khi chưa có chỉ định của bác sĩ da liễu. Trường hợp người dân mắc các bệnh về da, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được khám và chỉ định điều trị đúng cách, tránh bệnh ngày càng nặng và khó điều trị.