BÀI TRUYỀN THÔNG VỀ BỆNH LẬU

02/12/2024

 

1. Bệnh lậu là gì?

- Là một bệnh lây truyền qua đường tình dục thông qua đường âm đạo, đường miệng và đường hậu môn, do song cầu khuẩn Gram âm Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh gây ra các tình trạng viêm niệu đạo và âm đạo khá thường gặp ở nam giới và nữ giới.

2. Làm sao để phát hiện mình bị lậu?

- Lậu thường có thời gian ủ bệnh sau quan hệ tình dục không an toàn khoảng 3-7 ngày. Trong thời gian này, người mắc bệnh tuy không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây cho người khác.

- Biểu hiện điển hình của bệnh lậu thường sẽ không giống nhau ở nam giới và nữ giới:

+ Nam giới: tiết dịch bất thường ở miệng sáo (dịch màu trắng đục, mủ vàng, xanh hoặc có lẫn máu); đau và khó chịu dọc vùng niệu đạo kèm tiểu rắt, buốt. Vùng miệng sáo có thể sưng nề.

+ Nữ giới: thường không có triệu chứng rõ rệt (> 50%) cho đến khi nhiễm trùng đã diễn tiến nặng. Tình trạng nhiễm trùng có thể biểu hiện như tiết dịch âm đạo bất thường; âm hộ ngứa, khó chịu; tiểu buốt; đau vùng bụng dưới và đau khi quan hệ tình dục. Khi thăm khám cổ tử cung sẽ thấy có dịch mủ, nhầy.

Ngoài ra, có thể gặp tình trạng lậu trực tràng, lậu hầu họng,..

3. Xét nghiệm để chẩn đoán bệnh lậu?

Dựa vào tình trạng thực tế của bệnh nhân và một số yếu tố khách quan (việc sử dụng kháng sinh tùy tiện, tái phát nhiều lần...) mà bác sĩ sẽ cho lấydịch tiết ở niệu đạo hoặc cổ tử cung để chỉ định các xét nghiệm cần thiết: nhuộm gram, nuôi cấy, PCR,..

4. Mức độ nguy hiểm của bệnh lậu?

- Ở nam giới, nhiễm lậu cầu thường gây ra viêm niệu đạo, nếu không được điều trị có thể dẫn đến viêm mào tinh hoàn, hẹp niệu đạo và  có khả năng gây vô sinh.

- Ở nữ giới, nhiễm lậu cầu nếu không điều trị sẽ dẫn đến viêm tiểu khung; viêm & tắc vòi trứng; thai ngoài tử cung và có khả năng gây vô sinh.

- Trẻ sơ sinh có mẹ bị bệnh lậu có thể bị lây nhiễm trong quá trình chuyển dạ gây các biểu hiện: chảy mủ ở mắt và sưng mí mắt, nặng hơn có thể dẫn đến loét, sẹo giác mạc và mù.

- Biến chứng nặng nề hơn của nhiễm lậu cầu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể ảnh hưởng tính mạng như: nhiễm lậu cầu lan tỏa gây nhiễm trùng huyết,...

5. Điều trị bệnh lậu như thế nào?

- Nên điều trị sớm nhằm tránh biến chứng không mong muốn.

- Điều trị theo đúng phác đồ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định (tốt nhẩt là theo kháng sinh đồ) bằng kháng sinh đường tiêm hoặc đường uống, hạn chế việc tự ý điều trị bừa bãi tránh nguy cơ lậu kháng thuốc. Kết hợp điều trị đồng nhiễm Chlamydia.

- Điều trị cho cả bạn tình (có quan hệ tình dục với bệnh nhân trong vòng 60 ngày).

- Lưu ý, không quan hệ tình dục, không làm thủ thuật liên quan đến tiết niệu trong thời gian điều trị và trong vòng 7 ngày sau khi kết thúc điều trị.

BS. Huỳnh Ngọc Thảo Vy