12/09/2022
1. ĐỊNH NGHĨA:
TSDF được định nghĩa là tổn thương da vùng mặt do sử dụng corticoid bôi bừa bãi, lạm dụng, không được giám sát hoặc sử dụng kéo dài gây ra những triệu chứng trên da và tâm lý phụ thuộc vào thuốc.
Có 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng corticoid gây viêm da là do sử dụng các loại mỹ phẩm có chứa corticoid không rõ nguồn gốc và tự ý hoặc lạm dụng thuốc điều trị da liễu có chứa corticoid mà không có chỉ định của bác sĩ trong thời gian dài.
2. TRIỆU CHỨNG:
TSDF gây ra bởi các bệnh nhân hoặc người không có chuyên môn sử dụng steroid tại chỗ không đúng mức độ mạnh trên da mặt, sai chỉ định hoặc không phù hợp độ tuổi. Một khi các ban da bắt đầu trơ với các thuốc sử dụng, nhiều người chọn sử dụng các nhóm mạnh hơn, tăng số lần thoa nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng,… Và hậu quả của việc sử dụng sai như vậy ở các tình trạng da bệnh lý (mụn trứng cá,…) hoặc da bình thường (các sản phẩm làm trắng da), da mặt bắt đầu xuất hiện:
- Đỏ da, sẩn, mụn mủ (thứ phát sau nhiễm trùng)
- Khô da
- Viêm da quanh miệng
- Giãn mạch
- Rậm lông
- Phát ban dạng mụn trứng cá
- Nhiễm nấm
- Giảm sắc tố, tăng sắc tố
- Viêm da tiếp xúc dị ứng.
- Tăng nhạy cảm ánh sáng.
- Teo da và rạn da
Ngưng steroid tại chỗ gây ra đỏ da trong khoảng 2 tuần và sau đó bong vảy.
Nếu như bệnh nhân không sử dụng steroid tại chỗ trở lại thì hiện tượng này tạm lắng xuống, nhưng sẽ xuất hiện trở lại trong vòng 2 tuần sau. Sau đó sẽ xuất hiện theodạng một số chu kỳ bùng lên rồi hạ xuống của tình trạng này. Tuy nhiên, đợt bùng phát sẽ giảm về mức độ cũng như thời gian dần về sau cho đến một thời điểm nào đó biến mất hoàn toàn.
Hiện tượng dội (rebound phenomenon) đôi khi xảy ra ở những vùng rộng hơn ngoài vị trí ban đầu sử dụng hoặc ở một vị trí xa khác. Một số bệnh nhân có thể có những triệu chứng tương tự như viêm da ánh sáng mạn tính (chronicactinic dermatitis). Đặc điểm lâm sàng chính của TSDF là đỏ da lan tỏa, xảy ra do cả tác dụng phụ của lạm dụng steroid tại chỗ và cả việc ngưng các sản phẩm “thủ phạm”. Do đó, có thể nói rằng đỏ da là tiêu chuẩn vàng của TSDF, một bệnh cảnh mà ban đầu được ghi nhận như là hội chứng mặt đỏ (red facesyndrome).
3. CẬN LÂM SÀNG:
- Phân tích tình trạng da
- Xét nghiệm kiểm tra da: nấm, ký sinh trùng Demodex…
- Xét nghiệm thường qui nhằm giúp chẩn đoán mức độ nặng của bệnh
4. ĐIỀU TRỊ:
- Tùy vào mức độ da bị nhiễm corticoid nặng hay nhẹ, cách điều trị sẽ khác nhau. Đối với mức độ nhẹ, trước tiên bác sĩ sẽ yêu cầu ngưng dùng những loại sản phẩm để xác định đâu là loại có chứa corticoid gây viêm ra, sau đó bạn cần từ bỏ việc sử dụng sản phẩm này. Tiếp theo, người bệnh được chỉ định dùng thuốc điều trị da nhiễm corticoid nhẹ và hướng dẫn cách chăm sóc da để khôi phục lại làn da.
- Khác với da nhiễm corticoid nhẹ, điều trị viêm da do corticoid khi đã ở mức độ nặng không thể ngưng dùng sản phẩm gây bệnh đột ngột là được, vì có thể khiến da phản ứng mạnh hơn. Do đó, trước tiên cần giảm tần suất sử dụng, sau đó giảm dần liều dùng corticoid trên da để da từ từ có khả năng thích ứng cho đến khi tổn thương trên da nhẹ hơn.
- Ngoài ra, hiện nay cũng có nhiều cách điều trị da nhiễm corticoid rất hiện đại, kết hợp cả việc chăm sóc và phục hồi thương tổn trên da từ trong ra ngoài, có thể kể đến như:
+ Dùng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ: Ngoài thuốc bôi da, điều trị da nhiễm corticoid có thể kết hợp với thuốc uống để làm giảm tình trạng viêm nhiễm phát ban nổi mụn trên da.
+ Dùng công nghệ ánh sáng sinh học: Kỹ thuật này sử dụng ánh sáng có bước sóng và công nghệ cao để tiêu diệt các loại vi khuẩn đã xâm nhập gây mụn trên da, đồng thời giúp da phục hồi nhanh nhờ hạn chế khả năng hoạt động của tuyến bã nhờn. Đây cũng là phương pháp phù hợp để điều trị tình trạng mụn do da nhiễm corticoid được các bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định.
5. CHĂM SÓC DA LỆ THUỘC CORTICOID:
Ngoài điều trị, việc chăm sóc da nhiễm corticoid cũng cần được quan tâm và thực hiện kỹ lưỡng để nhanh chóng phục hồi lại làn da, hạn chế những tổn thương trên da. Cụ thể:
- Mỗi ngày cần chú ý vệ sinh da bằng nước sạch hoặc một số sản phẩm ít gây kích ứng, giúp làm sạch da nhẹ nhàng.
- Khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc tóc và da nhiễm corticoid cần tránh những loại hóa mỹ phẩm để làm khít lỗ chân lông, nước hoa hồng, mỹ phẩm lột tẩy da. Cũng cần hạn chế việc trang điểm để ngăn sự tiếp xúc mỹ phẩm với da. Thay vào đó nên chọn sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, không có mùi hương.
- Tránh thường xuyên dùng tay chạm vào vùng da bị viêm hoặc chà xát mạnh trên da.
- Hạn chế để da nhiễm corticoid tiếp xúc với các yếu tố từ bên ngoài như nắng nóng, khói bụi, ... gây kích ứng. Che chắn da, mặc đồ kín đáo khi ra ngoài trời. Có thể sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF trên 30, không chứa một số thành phần như kẽm oxit và hương liệu.
- Tránh để căng thẳng gây nổi mụn vì sẽ khiến tình trạng phát ban viêm da do corticoid nặng hơn.
Những tác hại khi làn da bị lê thuộc corticoid
BSCKI. Trần Hồng Chi