TÌM HIỂU VỀ BỆNH BẠCH BIẾN

28/09/2022

      Bệnh bạch biến là tình trạng các tế bào hắc tố của da (tế bào chịu trách nhiệm tạo ra màu da) bị phá hủy,  biểu hiện bằng những mảng trắng trên da. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng nó có xu hướng dễ nhận thấy nhất ở những người có làn da sẫm màu vì độ tương phản rõ ràng hơn. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ, trong đó 20% người bệnh có yếu tố liên quan đến tiền căn gia đình. 

1. CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH BẠCH BIẾN LÀ GÌ?  

- Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh bạch biến là các đốm sáng hoặc mất sắc tố trên da, giới hạn rõ, không teo, không vảy, kích thước to nhỏ khác nhau.  

- Vị trí thường gặp ở các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, như bàn tay, bàn chân, cánh tay và mặt, nách, háng, rồn, mi mắt, tai, mũi, miệng, bộ phận sinh dục và những vị trí dễ bị chấn thương như cùi chỏ, đầu gối.

- Lông, tóc vùng da bệnh cũng bạc màu.

2. NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ ĐỐI VỚI BỆNH BẠCH BIẾN  

Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh bạch biến là một chứng rối loạn tự miễn, trong đó cơ thể tự hủy hoại các tế bào hắc tố làm cho chúng bị biến mất hoặc phá hủy. Ngoài ra nó còn có thể liên quan đến:

- Yếu tố gia đình và gen (di truyền). 

- Yếu tố thần kinh thể dịch. 

- Căng thẳng, cháy nắng nghiêm trọng hoặc chấn thương da, tiếp xúc với hóa chất, thuốc, nhiễm siêu vi,...

3. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH BẠCH BIẾN.

- Liệu pháp che khuyết điểm. 

- Liệu pháp tái tạo sắc tố: Dùng thuốc thoa có chứa corticosteroid, tacrolimus  hoặc  pimecrolimus, calcipotriol. Thuốc thoa chứa corticosteroid sử dụng lâu dài có thể gây rạn da và mỏng da, vì vậy cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.  

- Liệu pháp ánh sáng: Quang trị liệu với tia cực tím B (UVB) dải hẹp đã được chứng minh là có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh bạch biến hoạt động.  

- Liệu pháp ghép da tự thân. 

- Xăm màu da, xăm thẩm mỹ.  

4. CÁCH CHĂM SÓC DA CHO NGƯỜI BỆNH BẠCH BIẾN. 

- Hạn chế các chấn thương cơ học trên da vì có thể làm phát sinh thêm thương tổn mới tại vị trí bị chấn thương. 

-Tránh ra nắng từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều, khi ra nắng cần có trang phục bảo vệ như đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài. 

-Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ≥ 30 ở các vùng da tiếp xúc với ánh nắng 20 phút trước khi ra ngoài. Sử dụng các kem chống nắng phổ rộng và phải bôi lại kem chống nắng sau 2 đến 3 giờ, bôi cả khi trời âm u.  

 

 

BS CKI. Nguyễn Trần Thảo Uyên